( 30-03-2016 - 10:16 PM ) - Lượt xem: 1864
Yếu tố đầu tiên, đó là vị trí của gian phòng. Thông thường, khi ta bước từ bên ngoài cửa nhà vào thì đó chính là phòng khách.
Đôi khi cũng có ngôi nhà thiết kế phòng khách trên tầng 2, khi đó vai trò của phòng khách sẽ ít quan trọng hơn là trường hợp đầu tiên. Một vị trí phòng khách tốt phải đảm bảo không bị nhìn trực tiếp từ cổng nhà vào. Đôi khi nhà phố chật hẹp thì vị trí của bàn ghế ngồi phòng khách phải tránh được vị trí trực diện với cửa vào. Phải bố trí bàn ghế ở vị trí thích hợp không quay lưng ra ngoài cửa chính, không quá lớn để chiếm hết không gian phòng khách hoặc quá nhỏ.
Đường đi từ ngoài phòng khách vào các phòng bên trong phải tránh tạo thành một đường thẳng hàng. Một điểm rất quan trọng nữa là thường sau phòng khách là phòng bếp, bạn phải lưu ý không để bếp ở ngay ngoài phòng khách, phải có vách ngăn hoặc bố cục trang trí đảm bảo 2 không gian này không bị chung đụng.
Yếu tố thứ hai là các vị trí của các thiết bị phải hài hòa theo âm dương, ngũ hành. Màu sắc của các thiết bị, bàn ghế và tường nhà phải cân đối hài hòa, hợp với tuổi chủ nhà. Hướng ngồi của bàn ghế phải hợp với tuổi chủ nhà và ở vị trí bao quát được toàn bộ cổng, cửa nhà. Đôi khi một bể cá cảnh, một vườn cây nhỏ hay một tiểu cảnh trang trí ở vị trí thích hợp sẽ cải thiện sự cân bằng âm dương trong phòng khách. Một phòng khách tốt phải có cửa sổ lớn lấy ánh sáng vào nhà, trong trường hợp nhà ống thì bạn cần có một cửa ra vào đủ lớn để cung cấp dương khí cho phòng khách và có hệ thống chiếu sáng đủ mạnh.
Trong điều kiện chật hẹp, một vài pháp khí để trang trí như tượng Phật, linh vật, tranh ảnh sông hồ, núi non treo ở vị trí thích hợp cũng có vai trò cải tạophong thủy cho phòng khách.
Tóm lại, một phòng khách kín đáo nhưng bao quát tầm nhìn, tách biệt với bếp và có bố cục hài hòa về màu sắc, ánh sáng và sự xếp đặt bàn ghế, các thiết bị sinh hoạt sẽ góp phần làm nên một phong thủy tốt cho ngôi nhà của bạn. Đó là chìa khóa mang lại bình an và thịnh vượng cho các thành viên trong ngôi nhà bạn.